Một số biện pháp cha mẹ giúp con có khó khăn khi con vào lớp 1

Thời kỳ "chuyển tiếp" từ lứa tuổi mẫu giáo sang bậc tiểu học được coi là thời kỳ phát triển thứ 2 vô cùng  quan của trẻ, đây là giai đoạn mà trẻ có sự chuyển tiếp từ ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết trở thành phương tiện giao tiếp thứ 2 ở trẻ.

Do đặc điểm của trường tiểu học và trường mẫu giáo không giống nhau nên khi trẻ bước vào thời kỳ tiểu học cần phải cho trẻ thời gian để trẻ thích ứng. Ở giai đoạn tiểu học việc giáo dục ở trên lớp được coi là chính và so với lứa tuổi mẫu giáo thì mức độ khác nhau rất nhiều. Bậc tiểu học yêu cầu về chức năng tự kìm chế, tự đảm nhiệm, tự ý thức…ở trẻ ngày càng cao. Với những trẻ bình thường có khả nằng này thì sẽ dễ dàng thích ứng được với môi trường mới và ngược lại với những trẻ tăng động hay có rối rối loạn phát triển …sẽ rất khó thích ứng với môi trường sinh hoạt tập thể. Đặc biệt ở các trẻ này khi mới bắt đầu tới trường, thành tích học tập thường không nổi bật, kém hơn so với các bạn trong lớp, thậm chí còn có hiện tượng không tuân thủ những kỷ luật của lớp học, hay bị giáo viên phê bình. Địa vị, vai trò của trẻ trong lớp học bất lợi, nhất định sẽ làm ảnh hưởng tới lòng tự tin của trẻ, nghiêm trọng hơn có thể làm cho trẻ sinh ra chán học. Do vậy, cha mẹ nên chú trọng đến các vấn đề xuất hiện ở trẻ và phải tìm cách sử lý tế nhị và kịp thời để hỗ trợ cho trẻ. Có thể áp dụng những biện pháp dưới đây.

- Lý giải khó khăn khi trẻ gặp phải, dành cho trẻ sự an ủi và ủng hộ kịp thời,
- Cùng hợp tác với giáo viên và nhà trường trong việc chăm sóc và giáo dục cho trẻ, phải có thái độ ôn hòa không được đánh mắng trẻ. Bằng không, trẻ sẽ gắn sự đau đớn về thể xác và sự phẫn nộ bị ức chế sẽ gây ra hậu quả xấu lúc này trẻ sẽ không chịu nghe lời…
- Nếu cha mẹ không vừa ý với cách giải quyết của giáo viên, cần phải trao đổi ý kiến riêng với giáo viên, tuyệt đối tránh lý luận với giáo viên trước mặt trẻ. Vì làm như vậy, trẻ sẽ cho rằng có cha mẹ đứng sau bảo vệ cho mình, chúng sẽ không tiếp thu những ý kiến đóng góp hoặc phê bình của giáo viên. Làm như vậy không có lợi cho việc giáo dục trẻ.
- Dùng lời lẽ giải thích cho trẻ để trẻ hiểu rằng trong cuộc sống xã hội  mọi người đều phải chấp hành các quy định chung. Ví dụ: Người vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ sẽ bị cảnh sát xử lý; con cái khi phạm sai lầm, sẽ bị cha mẹ  phê bình, vi phạm quy định của nhà trường sẽ bị cô giáo phê bình. Từ đó trẻ sẽ dần hình thành ý thức và có thái độ đúng đắn hơn trong học tập cũng như trong việc chấp hành nội quy chung của gia đình và nhà trường.
- Quan sát trẻ một cách tỉ mỉ, khẳng định và khen thưởng kịp thời, khi thấy trẻ có chút tiến bộ, đồng thời nhấn mạnh: “ Sau khi đi học, con có tiến bộ và hiểu biết hơn trước, bố mẹ rất vui mừng!” Như vậy trẻ sẽ thấy được việc đi học có ý nghĩa và có lợi cho bản thân, từ đó trẻ sẽ không còn cảm thấy sợ hãi, và chán nản khi đi học nữa.

Tóm lại cha mẹ cần phải chú trọng hơn đến thời kỳ "chuyển tiếp" ở trẻ, xử lý tốt những vướng mắc mà trẻ gặp phải, có những biện pháp trợ giúp kịp thời giúp trẻ nhanh chóng thích ứng được với môi trường học tập ở bậc tiểu học.


Th.s. Dương Thanh Vân (Trung tâm Hoa Anh Đào)

Read 2598 times
Top