Trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD) - Các phương pháp và biện pháp hỗ trợ

1. Các biểu hiện của trẻ tăng động giảm chú ý
Tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em và nó được xác định chính xác vào giai đoạn đầu tiên của lứa tuổi tiểu học. Đây là rối loạn mà trẻ trai có khả năng mắc bệnh cao gấp 3 lần so với trẻ gái và là nguyên nhân chính gây nên những khó khăn rất lớn trong quá trình học tập cũng như sinh hoạt của trẻ.

Trẻ bị tăng động giảm chú ý có các biểu hiện như sau:
- Không thể duy trì sự tập trung.
- Dễ lơ đãng.
- Thường xuyên làm mất hay để quên gì đó.
- Khó tập trung chú ý vào chi tiết và thường xuyên mắc lỗi do thiếu chú ý.
- Liên tục chuyển từ việc này sang việc khác nhưng không việc nào làm xong.
- Dường như lúc nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn như trên cung trăng.
- Liên tục ngọ nguội không ở yên, liên tục đổi hết chỗ này đến chỗ khác (khi xem ti vi chẳng hạn), vặn vẹo người, quơ tay quơ chân,…
- Không thể ngồi lâu một chỗ.
- Cảm thấy khó khăn khi bắt đầu làm việc gì (làm bài, làm việc nhà).
- Không chịu nổi sự buồn chán.
- Thiếu thận trọng, không ý thức được nguy hiểm hay rủi ro (chẳng hạn như bước ra khỏi xe mà không nhìn trước xem đường có trống không).
- Khó đợi cho đến phiên mình.
- Ít tôn trọng các quy tắc.
- Lảng tránh những hoạt động đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ.
- Thấy khó khăn khi phải chơi trong yên lặng.
- Phản ứng hấp tấp không suy nghĩ và đôi khi đi kèm thái độ gây hấn (nổi giận).
- Thiếu kiên nhẫn, dễ bực bội, hay thất vọng vì những chuyện không đáng.
Khi các hành vi trên xuất hiện đã lâu, không chỉ ở trường mà cả ở nhà và tác động tiêu cực đến kỹ năng giao tiếp xã hội và kỹ năng học tập của trẻ, tốt nhất các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để kiểm tra xem nó có mắc chứng tăng động hay giảm chú ý không.

2. Chứng tăng động giảm chú ý gây ra những hậu quả như thế nào?
Trẻ hiếu động thái quá đôi khi cảm thấy khó khăn trong việc hòa nhập xã hội, kết bạn hoặc giữ bạn. Tính thiếu kiên nhẫn và nói năng theo cảm tính của nó có thể chơi khăm nó: nó không thể ngừng nói, hay ngắt lời người khác, không thể tập trung vào các mối bận tâm của bạn bè cũng như không chú ý đến nhu cầu của các bạn, cảm thấy khó tuân thủ luật chơi hay không thể kiên nhẫn chờ đến lượt mình trong các trò chơi và hoạt động. Nói tóm lại, trẻ tăng động rất vụng về trong giao tiếp xã hội và đôi khi làm người ta nghĩ rằng nó chưa chín chắn. Kết quả là trẻ thường bị xa lánh và không được chào đón bởi các nhóm học tập hay ngoài sân trường.
Chứng rối loạn giảm chú ý cũng làm cho trẻ bị tổn thương về mặt học tập. Nó buộc phải theo dõi gấp đôi để theo dõi được bài giảng trên lớp và rất khó tập trung vào bài làm. Trẻ hầu như không thể tránh khỏi việc học hành khó khăn nếu như không khắc phục được điều này.
Chú ý và tập trung là những yếu tố cần cho việc học hỏi. Thiếu hai yếu tố này, học sinh sẽ khó tiếp thu, xử lý, hiểu và ghi nhớ thông tin. Những khó khăn trên khiến cho việc tập trung chậm lại, dần dần dẫn đến việc học tập thất bại.
Trẻ mắc chứng ADHD khó tập trung lâu vào một thứ gì. Nó có khuynh hướng liên tục chuyển từ việc này sang việc khác nhưng chẳng việc nào làm xong. Những hành vi đó thường bị xem là thiếu ý chí hay thiếu quan tâm, thiếu nhiệt tình, thậm chí là lười biếng. Trẻ cũng rất khó khăn trong việc nỗ lực học bài làm bài buổi tối trước sự tuyệt vọng, mệt mỏi và mất kiên nhẫn của cha mẹ. Và điều này sẽ dẫn đến những cơn giận giữ, những màn khóc lóc, những lời của trách và phê phán,…
Đây là những tình huống rất khó chịu với trẻ, nhất là những tình huống đó không ngừng tái đi tái lại. Do học hành khó khăn và liên tục bị phê phán, khiển trách, trẻ có nguy cơ phát triển hình ảnh xấu về bản thân và nghĩ mình thiếu năng lực. Nó thấy mình không giỏi và không thể thành công trong mọi việc. Nguy cơ lầm vào hoàn cảnh bấp bênh khi vào trung học sẽ tăng lên nếu như chứng rối loạn tăng động giảm chú ý của nó không nhanh chóng được khắc phục. Chính vì thế nó cần được đưa đi khám sớm nhất để được chẩn đoán đúng bệnh

3. Làm sao giúp con nếu nó mắc chứng rối loạn này?
Kết quả chẩn đoán trẻ mắc chứng ADHD tác động không ít đến cha mẹ. Tin con mắc bệnh sẽ khiến cha mẹ bàng hoàng, buồn bã, thất vọng, cảm thấy tội lỗi và lo sợ cho tương lai của con. Điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm khi nghe tin này là chấp nhận sự thật trước đã. Một số người phải tự giải thoát khỏi sự xấu hổ và đặt sang bên niềm tự hào về mối quan hệ cha - con / mẹ - con hoàn hảo. Một số khác phải cố rũ bỏ mặc cảm tội lỗi để hiểu rằng vấn đề này đã tồn tại từ khi trẻ mới sinh ra.

3.1. Phản ứng thế nào?
Phải nhanh chóng thiết lập một kế hoạch can thiệp phù hợp với nhu cầu của trẻ để nó có thể phát triển cùng với những trẻ cùng nhóm tuổi.

3.2. Vì sao phải can thiệp?
Vì trẻ không được điều trị chứng rối loạn giảm chú ý sẽ có nguy cơ gặp nhiều điều không hay trong cuộc sống, ảnh hưởng đến lòng tự trọng và tự tin của nó đến suốt cuộc đời.
Các bảng thống kê chứng minh rằng trẻ mắc chứng ADHD nếu không được điều trị sẽ có nhiều nguy cơ học hành thất bại hơn, có hành vi khó gần gũi hơn (chống đối, giận dữ, cứng đầu cứng cổ), khó hòa hợp với gia đình, bạn bè hơn và dễ bị lo âu (dẫn đến trầm cảm) hơn những trẻ khác. Và nếu như những phản ứng đó khiến cho trẻ liên tục bị người xung quanh trách phạt và đánh giá không hay thì làm sao nó có thể tiếp tục duy trì hình ảnh tốt đẹp về bản thân, biết tự trọng và tin tưởng vào khả năng thành công của mình?
Cũng may là cha mẹ có thể giúp rất nhiều cho trẻ mắc chứng rối loạn trên. Để làm được điều này, chúng tôi xin đưa ra một vài hướng đi như sau:

3.3. Hiểu rõ về chứng rối loạn giảm chú ý
Trước hết cha mẹ cần hiểu rõ về chứng rối loạn giảm chú ý, đi kèm hay không đi kèm tình trạng tăng động, đồng thời nắm rõ nguyên nhân, tác dụng và hậu quả của nó. Bạn phải biết rằng những cơn giận dữ, sự hung hăng hay phản ứng hấp tấp không suy nghĩ của trẻ đôi khi chỉ đơn giản là biểu hiện của tình trạng hiếu động thái quá. Trẻ mắc chứng ADHD không kiểm soát được hành vi của nó, mà những hành vi này lại làm tăng nồng độ dopamine trong cơ thể nó. Chất adrenaline sản sinh từ những hành vi mà trẻ thể hiện là một chất dẫn truyền dopamine rất tốt và là cách giải quyết thiếu hụt hormone này trong cơ thể trẻ bằng con đường tự nhiên và vô thức. Điều đó giải thích vì sao trẻ nguôi ngoai và bình tĩnh hơn sau khi khóc lóc hay làm mình làm mẩy. Hiểu rõ hành vi của trẻ do đó là cơ sở để cha mẹ giúp đỡ nó bằng hành động thích hợp với tất cả sự quan tâm và chịu đựng.

3.4. Điều trị bằng thuốc
Không phải mọi trẻ mắc chứng ADHD đều cần uống thuốc. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc được khuyến cáo đối với đa số trẻ mắc chứng rối loạn giảm chú ý, nhất là trẻ gặp khó khăn về mặt hành vi, học tập và xã hội gây nên bởi chứng rối loạn này. Những thứ thuốc này đều là thuốc kích thích thần kinh. Chỉ bác sĩ điều trị mới được kê đơn thuốc và việc đó phải đi kèm với giám sát tâm lý.

3.5. Phương pháp trị liệu giáo dục
Nếu trẻ mắc chứng ADHD nhẹ thì có thể áp dụng nhiều cách can thiệp khác nhau để kiểm soát triệu chứng mà không cần dùng đến thuốc. Đây thường là trường hợp của trẻ mà chứng giảm chú ý không kéo theo hoặc ít kéo theo những khó khăn về học tập hay quan hệ xã hội của trẻ, trẻ chỉ bị rối loạn hành vi nhỏ trong lớp hay trong nhóm và trẻ "không chịu ngồi yên" hoặc khó tập trung vào bài tập nhưng kết quả học tập vẫn không đến nỗi tồi.
Phương pháp này (có thể kết hợp với thuốc) thường bao gồm nhiều biện pháp can thiệp khác nhau, trong đó chủ yếu là huấn luyện cho cha mẹ, cải tạo hành vi, theo dõi tâm lý trường học, giúp đỡ chuyện học hành.
Sau đây là một số cách hoặc mẹo hay đã được chứng minh là thành công với trẻ mắc chứng ADHD:
- Hãy duy trì các quy tắc rõ ràng, đơn giản và chấp nhận phải thường xuyên nhắc lại các giới hạn cho trẻ.
- Hãy giải thích rõ ràng, ngắn gọn.
- Hãy tiếp xúc bằng mắt trong quá trình can thiệp. Khi muốn lôi kéo sự chú ý của trẻ để có thể nói chuyện với trẻ, hãy chạm vào vai trẻ và đảm bảo trẻ nhìn thẳng vào mắt bạn.
- Mỗi lần chỉ nên ra một lệnh hay giao một nhiệm vụ cho trẻ và kiểm tra xem trẻ có hiểu rõ lệnh/nhiệm vụ đó hay không.
- Để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ, hãy tránh không nhấn mạnh đến lỗi lầm của trẻ. Sự động viên và khích lệ luôn là những biện pháp đem lại kết quả tốt nhất.
Kế hoạch điều trị cho trẻ sẽ do toàn thể các chuyên gia có liên quan (bác sĩ,nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý và nhân sự của nhà trường) đề nghị. Đây là những người có thể hướng dẫn cha mẹ và xác định trẻ có cần điều trị bằng thuốc hay không. Sự hợp tác giữa cha mẹ, thầy cô, bác sĩ và chuyên gia tâm lý là cơ sở để kế hoạch điều trị thành công.

Th.s. Thanh Vân (Trung tâm Hoa Anh Đào)

Read 4900 times
Top