Trẻ mắc bệnh tự kỉ: Cần yêu thương nhẫn nại

"Tiếng "mẹ ơi" cất lên khi cháu thấy tôi xuất hiện ở cửa. Lúc đó, tôi sững sờ, ngỡ ngàng vô cùng, không thể diễn tả nổi cái cảm giác hạnh phúc ngây ngất"- chị Chu Thị Hằng, ở phường Trường Thi, TP Vinh (Nghệ An), có con trai là Nguyễn Văn Hùng (6 tuổi) bị tự kỉ, kể lại.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
 
Cách đây khoảng 6 năm, gia đình chị Hằng chào đón con trai đầu lòng trong niềm mong đợi. Cả gia đình dồn tình yêu thương vào chăm sóc cậu con trai nhỏ, mong chờ nụ cười, bước đi chập chững, tiếng nói bi bô. Nhưng càng chờ, càng mong mỏi thì lòng người mẹ trẻ càng quặn thắt khi tiếng gọi mẹ của con cứ lặng câm theo ngày tháng.
 
Niềm vui dần tắt ngấm, thay vào đó là choáng váng, hoảng loạn cực độ khi người mẹ cảm thấy con trai 18 tháng tuổi của mình có biểu hiện khác thường: Ngây ngô, không cười, không nói, chỉ khóc triền miên. Đã không ít lần gia đình chị phải vật lộn 3-4 tiếng đồng hồ giữa đêm khuya vắng lặng với tiếng khóc  ngằn ngặt của con. Cứ như thế, con được chuyền từ tay bố sang mẹ, hết ông lẫn bà cùng giúp sức nhưng tất cả vô ích. Chị Hằng tâm sự: Nhiều khi tôi cảm thấy mình như rơi xuống vực thẳm, mệt mỏi, hoang mang.
 

Một giờ học tại phòng  tư vấn điều trị tự kỉ ở Nghệ An. (Ảnh: H.H).

 
Đến hôm nay, con chị đến  điều trị tự kỉ ở Quĩ bảo trợ Trẻ em Nghệ An được 6 tháng, bệnh tình đã khá hơn nhiều. Khi con cất tiếng gọi "mẹ ơi", chị Hằng đã trào nước mắt.
 
Chị Bùi Thị Hiền ở xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) tâm sự:  Từ khi sinh ra, cháu Hoàng Đức Toàn đã bị rối loạn tiêu hóa, 14 tháng trời mới bình ổn được. Thế nhưng, chị càng đau khổ tột cùng khi gọi tên con nhưng không thấy phản ứng gì. Thỉnh thoảng, cháu lại khóc thét, xoay mông, đi kiễng chân và thích chơi một mình.
 
Chị đưa con đi đo thính lực, con không bị điếc. Chạy đông, chạy tây để khám thính lực, rồi hết châm cứu nhưng tất cả vô vọng. Đưa con vào Bệnh viện Nhi, chị bàng hoàng khi biết rằng con mình bị bệnh tự kỉ. Cuộc sống gia đình chị bắt đầu bị đảo lộn. Vợ chồng lục đục, dằn vặt, cãi vã chỉ trích nhau mỗi khi mất ngủ vì con. Rồi chị bắt đầu đối diện với những cơn khóc thét, quăng đồ đạc, tự đập đầu vào tường... Vợ chồng chị lại chạy đôn chạy đáo, xoay xở vay nóng những người thân họ hàng để có tiền cho 2 mẹ con ra Hà Nội.
 
3 lần ra Hà Nội, tiêu hết 18 triệu đồng, 2 mẹ con chị vẫn phải trở về mà bệnh thì chưa có gì khả quan. Cho đến hôm nhận được tin tại Quĩ Bảo trợ Trẻ em tỉnh có trung tâm điều trị tự kỉ, chị vội vã đưa con vào với mong ước một ngày nào đó cháu tự phục vụ được bản thân.
 
Cần nhất là kiên nhẫn
 
Chị Tôn Thị Trí, Phòng Tư vấn tự kỉ (Quĩ bảo trợ Trẻ em Nghệ An) cho biết: Trẻ tự kỷ thường thiếu hụt khả năng giao tiếp và ngôn ngữ, vì vậy chăm sóc các cháu cũng có nghĩa là hướng dẫn lại về kỹ năng giao tiếp, giúp trẻ hòa nhập cuộc sống bình thường. Trách nhiệm của các  chuyên viên là xoa dịu các chấn thương tâm lý cho trẻ. Hàng ngày, các cô phải thường xuyên tiếp xúc với trẻ, chơi cùng, học cùng để phát hiện ra sở thích riêng của từng bé mà có cách trị liệu phù hợp. "Cứ dần dần qua những lần như vậy, các bé lại gắn bó với mình từ lúc nào không hay. Mỗi lần thấy bé nào tâm lý đã ổn định, các cô cảm thấy rất vui" -chị Trí cho biết.
 
Ngoài lòng kiên  nhẫn của các chuyên viên, y tá thì rất cần sự cảm thông từ phía gia đình. Bác sĩ Phan Văn Hòa, Phó Phòng trợ giúp trẻ em cho biết, khó khăn lớn nhất khi điều trị cho trẻ tự kỷ là sự thiếu hợp tác của gia đình. Với bệnh lý thực thể thông thường, các kết luận có bệnh hay không thường rất rõ ràng nhờ xét nghiệm. Trong khi đó, kết luận bệnh nhân nhi bị tự kỷ lại phải thông qua những lần kiểm tra tâm lý. Những kết quả này đôi khi rất trừu tượng và khó thuyết phục được cha mẹ các em. Quá trình điều trị cho bệnh nhi  tự kỉ là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải có sự hợp tác, giúp đỡ và cảm thông với các bác sĩ từ phía gia đình.
 
Bác sĩ Hòa cho biết thêm: Khiếm khuyết của trẻ tự kỷ chính là ở khả năng giao tiếp, sự tương tác với xã hội. Vì vậy, ngoài việc để các cháu sinh hoạt trong môi trường chuyên biệt, việc những người xung quanh chấp nhận trẻ và chịu giao tiếp với trẻ cũng giúp cho khả năng giao tiếp của các em được hoàn thiện.
 
"Khảo sát cho thấy, số trẻ bị tự kỉ trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng rất nhiều. Với trách nhiệm của những người làm công tác trẻ em, chúng tôi mong muốn làm một điều gì đó để xoa dịu các chấn thương tâm lý cho trẻ.
 
Do vậy, Phòng tư vấn điều trị tự kỉ đã được thành lập. Đây được xem là "điểm tựa" cho những trẻ bị bệnh tự kỉ"- ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Quĩ Bảo trợ trẻ em Nghệ An.
 
Hồ Hà
Read 2477 times
Top