Xóa sổ những cơn bùng nổ tâm lý

Chương 1 – Khi phần thưởng hay hình phạt không còn tác dụng? Đứa trẻ nào cũng cần phải có kỉ luật.

Những qui định rõ rằng, những hình thức thưởng/phạt nghiêm minh sẽ tạo ra trật tự cho cuộc sống của chúng ta Khi những qui định và các hình thức thưởng/phạt nhất quán không có hiệu quả đối với việc thay đổi hành vi, và những cơn bùng nổ tiếp tục diễn ra, chúng ta cần phải xem xét nguyên nhân của chúng.

Mô hình 4 bước để kiểm soát và ngăn chặn các cơn bùng nổ bao gồm:

  1. Kiểm soát kì vọng của chúng ta với bọn trẻ để chúng ta có thể:
  2. Kiểm soát được tâm trạng của chính mình
  3. Tạo cảm giác có năng lực ở bọn trẻ
  4. Tránh những xung đột quyền lực thường xuyên
  5. Học những chiến thuật để xoa dịu những cơn bùng nổ khi chúng xảy ra
  6. Hiểu được tại sao một cơn bùng nổ lại xảy ra

Xây dựng những kế hoạch để phòng ngừa những cơn bùng nổ

Chương 2 – Bản chất của cơn bùng nổ tâm lý?

Những nguyên nhân khiến xác suất xảy ra bùng nổ tâm lí cao hơn bao gồm:

  • Một tính khí nóng và những vấn đề liên quan tới những phản ứng cảm xúc (chẳng hạn rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD, rối loạn tâm trạng, rối loạn xử lí cảm giác, Đau bệnh kinh niên, và bệnh khó ngủ)
  • Khó khăn trong tư duy trừu tượng và hiểu cảm xúc của người khác
  • Sự cứng nhắc và kỹ năng giải quyết vấn đề cứng nhắc

Sự kết hợp của cả ba yếu tố tạo ra khả năng lớn nhất xảy ra các cơn bùng nổ tâm lí

Chương 3 – Chấp nhận và tôn trọng con trẻ

Khi chúng ta chấp nhận và tôn trọng con trẻ, chúng ta đã góp phần thiết lập một mối quan hệ tích cực mà nhờ đó ta có thể giúp các em học tập. Những cách sau đây đều là những cách chúng ta có thể phải điều chỉnh mong muốn của mình với con trẻ để có thể duy trì một quan hệ tốt đẹp.

Kiểm soát sự nản lòng bằng cách:

  • Coi những hành động thách thức của trẻ như một phần sự phát triển bình thường của các em.
  • Nhận thức rằng những hành động thách thức của trẻ không phải là do khả năng của ta, mà chỉ là một biểu hiện cho thấy trẻ còn thiếu khả năng đối mặt với sự thất bại, nản lòng.
  • Hiểu rằng những hành vi thách thức là tạm thời, cho đến khi chúng ta có thể tìm ra những cách tốt hơn để ngăn những tình huống khó khăn đó.
  • Lập kế hoạch để trẻ tiếp cận với những yêu cầu đơn giản, xây dựng sự tự tin trước khi thử thách các em với những yêu cầu khó hơn.
  • Dạy các em chấp nhận nản lòng như một phần của quá trình học hỏi chứ không phải dấu hiệu của thất bại.
  • Tránh so găng với trẻ khi trẻ chưa được học những kỹ năng giải quyết một tình huống cụ thể.

Chương 4 – Hạ nhiệt những cơn bùng nổ tâm lý

Các biện pháp phân tâm là công cụ quan trọng để giúp trẻ bình tĩnh

Những biện pháp phân tâm bao gồm:

  • Sử dụng sở thích cũng như đam mê của trẻ nhỏ
  • Hãy hài hước
  • Trân trọng những cảm xúc của trẻ để trẻ cảm thấy được thấu hiểu
  • Chơi với thú nhồi bông hay đồ chơi ưa thích
  • Nhìn ra ngòai cửa sổ
  • Đu đưa trên đùi cha mẹ
  • Sử dụng sách, băng đĩa hình, ti vi
  • Những cái ôm

Myles và Southwick (2005) đưa ra những giải pháp tương tự để hạ nhiệt cơn bùng nổ tâm lý:

  • Để trẻ trở thành người đưa tin
  • Tới gần trẻ hơn, sử dụng ám hiệu bí mật
  • Sử dụng lịch trình được viết ra
  • Thiết kế một mái ấm
  • Đi bộ và không nói chuyện

Nếu những biện pháp phân tâm giúp trẻ tránh một nhiệm vụ khó khăn, chúng ta chỉ nên sử dụng duy nhất 1 lần với trường hợp cụ thể đó. Việc lạm dụng sẽ khiến trẻ tức giận nhiều hơn để tránh việc. Chúng ta phải lập kế hoạch phòng tránh làm nhiệm vụ hợp lý hơn, và hướng dẫn trẻ cách xử lý với cơn giận dữ của mình

Trẻ có thể học cách tự trấn tĩnh trước hoặc sau khi chúng bùng nổ. Trên đây là những biện pháp trấn tĩnh chung được sử dụng trong nhiều tình huống. Tuy nhiên những cách hiệu quả nhất là những biện pháp phòng ngừa được tạo riêng để giải quyết tận gốc nguyên nhân cho mỗi tình huống (cụ thể từ chương 6-10)

Chương 5 – Hiểu được tại sao những vấn đề cứ thường xuyên tái diễn

Để hiểu tại sao một hành vi có vấn đề lại cứ tái diễn, chúng ta có thể tiến hành đánh giá chức năng hành vi, bao gồm thu thập thông tin về hoàn cảnh (điều gì xảy ra trước hành vi), hành vi (trẻ đã làm gì) và hệ quả (điều gì xảy ra sau hành vi) còn gọi là 3H.

Để nắm được hoàn cảnh, hành vi và hệ quả, chúng ta có thể trò chuyện với người có liên quan hoặc chứng kiến hành vi, tự mình quan sát hành vi và lưu lại quan sát bằng nhật kí 3H.

Khi chúng ta xem lại nhật kí 3H, chúng ta có thể nhận thấy một số thông tin về những kiểu nguyên nhân thường gây ra hành vi. Dựa vào thông tin đó, chúng ta có thể xây dựng kế hoạch ngăn ngừa hợp lý để ngăn chặn hành vi có vấn đề.

Chương 6 – Lập kế hoạch ngăn chặn bùng nổ tâm lý

Một kế hoạch phòng tránh tốt sẽ bao gồm các thành phần sau:

  1. Thay đổi các tác nhân. Chúng có thể bao gồm
    • Những tác nhân tới cảm xúc (ví dụ, tiếng ồn, ánh sáng, va chạm, nêm nếm, mùi)
    • Thời gian của hòan cảnh (ví dụ, tránh giao việc khi trẻ rất vội, mệt mỏi hay ốm yếu)
    • Độ khó của nhiệm vụ (ví dụ, làm cho nhiệm vụ dễ đàng hơn hay ngắn hơn)
    • Những hỗ trợ trực quan (ví dụ, cung cấp tranh ảnh hay bản viết để giải thích nên làm gì trong những hòan cảnh đó)
  2. Hướng dẫn kĩ năng giải quyết với những tác nhân: Có những kĩ năng để chuyển những phản ứng tiêu tực sang thành hành vi tích cực trong xử lý các nguyên nhân gây tác động
  3. Khen thưởng và trừng phạt
    • Khen thưởng những hành vi tích cực với lời tuyên dương, động viên và những phần thửơng vật chất hay điểm số có thể làm tình hình phát tiển tốt lên nhiều
    • Các biện pháp trừng phạt chỉ được sử dụng nếu tác nhân bị thay đổi, đứa trẻ biết cách tốt hơn để giải quyết với tình huống, để chúng có những hành vi tích cực hơn hay vì chọn những hành vi phá rối.
  4. Cân nhắc về giải pháp sinh học và vật lý trị liệu, có thể bao gồm
    • Thay đổi thực đơn
    • Tập thể dục, thiền hành và những biện pháp thư giãn vật lý trị liệu khác
    • Khi những biện pháp can thiệp hòan tòan thất bại và chức năng hành vi bị khủng hỏang, chúng ta có thể tham khảo ý kiến chuyên gia về việc dùng thuốc và tá dược để hỗ trợ

Chương 7 – Mệnh lệnh

Những hành vi có vấn đề thường được khởi phát từ việc trẻ bị bắt phải làm một việc mà trẻ cảm thấy khó hoặc chẳng lấy gì làm thú vị như là làm bài tập về nhà, ăn một số loại thức ăn, mặc quần áo, dọn dẹp phòng của trẻ, hoặc tiếp cận một tình huống xã hội mới. Chương này đưa ra những kế hoạch để giúp đỡ trẻ đối phó với một vài tình huống trên.

Ví dụ vấn đề Làm bài tập về nhà

Thay đổi nguyên nhân gây ra vấn đề

  1. Kích thích giác quan:
    • Thính giác: Bố trí cho trẻ học ở những nơi yên tĩnh và có ít học sinh ở xung quanh.
    • Thị giác: nên chọn đèn bóng vàng hơn là đèn huỳnh quang vì đèn huỳnh hay nhấp nháy khiến nhiều trẻ bị mất tập trung.
    • Khứu giác: Hạn chế các loại mùi vị ở khu học tập càng ít càng tốt.
    • Xúc giác: Một số học sinh có thể muốn ngồi cách xa các bạn khác vì thậm chí chỉ cần một cú chạm tay vô tình từ các bạn khác cũng có thể làm các em bị phân tâm. Trong khi đó một vài em thì lại có thể tập trung tốt hơn khi được tiếp xúc với một số thứ mà bé thích. Ví dụ một vài em chú ý vào bài hơn khi được ngồi trên một loại nệm đặc biệt nào đó hoặc nghịch với các đồ vật. Nhưng hãy lưu ý, một số em bị giảm mức độ tập trung khi nghịch các đồ vật, nên bạn phải xác định được con mình phù hợp với cách tiếp cận nào nhất.
  2. Thời điểm của tình huống: Tránh giao bài tập cho học sinh khi các em quá đói hoặc trước giờ đi ngủ, khi mà các em cảm thấy mệt. Các em có thể cần ăn nhẹ, hoạt động thể lực hoặc nghỉ ngơi trước khi làm bài tập.
  3. Độ khó của bài tập (Hãy đơn giản hóa bài tập):
    • Bất kì khi nào có thể, hãy cho phép trẻ được chọn lựa bài tập nào trẻ thích làm, chẳng hạn như chọn sách nào để đọc hoặc câu truyện gì để viết.
    • Cũng tương tự vậy, hãy vận dụng các sở thích của trẻ khi làm bài tập để khiến việc làm bài tập trở nên thú vị hơn. Cho phép bé được viết, được thuyết trình về một sở thích đặc biệt nào đó của mình. Hoặc là làm bài tập toán hay tập làm văn liên quan đến những sở thích đặc biệt của bé. Ví dụ, một bé thích khủng long có thể giải các bài toán về độ tuổi hoặc kích cỡ của khủng long hoặc viết các câu về khủng long cho môn tập làm văn.
  4. Chia nhỏ các bài tập lớn thành từng phần nhỏ và yêu cầu trẻ chỉ làm một phần nhỏ
    • khi mới bắt đầu ngồi vào bàn làm bài tập về nhà.
    • Thay đổi những bài tập văn tự sự thành những câu hỏi trắc nghiệm. Chẳng hạn như thay vì yêu cầu một học sinh viết về những việc bé làm vào mùa hè, ở đây là bé phải nhớ là bé đã làm gì, thì chúng ta nên miêu tả một vài thứ bé đã làm và để bé tự chọn đề tài để viết.
    • Đối với những trẻ gặp khó khăn khi viết chính tả, chúng ta nên cho bé viết ít, hoặc đọc văn thu vào băng hoặc nhờ người viết hộ hoặc sử dụng bàn phím máy tính để giảm bớt áp lực phải viết. Đôi khi đề nghị trẻ chỉ cần nói to về những thứ bé sẽ viết cũng giúp bé có sự chuẩn bị khi bắt đầu môn tập làm văn.
    • Rút ngắn thời gian khi bé phải làm bài tập khó. Chẳng hạn như chúng ta có thể giảm bớt khối lượng bài tập hoặc khối lượng thời gian dành cho những bài tập khó ở trên lớp.
    • Thêm thời gian cho những bài kiểm tra để trẻ không phải vội vàng hay bị phân tâm bởi lo lắng vì sợ không kịp giờ.
    • Cho phép trẻ thay đổi phương pháp thực hiện một nhiệm vụ, chẳng hạn như một dự án tập làm văn có thể thay bằng một bài thuyết trình bằng hình ảnh hoặc bằng miệng hoặc một slide show.
    • Yêu cầu trẻ nhắc lại hướng dẫn trước khi tập trung vào làm bài tập để biết chắc trẻ đã hiểu yêu cầu của bài tập.
  5. Hỗ trợ hình ảnh:
    • Sử dụng các công cụ bảng biểu như các bản đồ hình ảnh tóm tắt thông tin kiểu mạng nhện nhằm hỗ trợ khả năng hiểu và giúp các bé nhớ lâu hơn. Ví dụ, trẻ có thể được giúp đỡ để tóm tắt ý chính của một câu chuyện và dùng các mũi tên để chỉ ra mối liên hệ giữa các ý chính. Bản đồ kiểu mạng nhện có thể được sử dụng để hỗ trợ việc hiểu các ý chính liên quan với nhau như thế nào và giúp trẻ nhớ lại được thông tin để sau đó có thể viết hoặc thảo luận về chủ đề đó.
    • Thay vì chỉ phụ thuộc vào hướng dẫn bằng lời nói, sử dụng thẻ nhắc hoặc một danh sách tóm tắt lại các bước cần thiết để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, như là giải một bài toán hoặc viết một bài văn.

Hướng dẫn các kĩ năng xử lý các nguyên nhân gây ra vấn đề

  • Giải thích cho học sinh rằng các em không buộc phải biết sẽ phải làm gì khi làm một bài tập mới. Hãy thử thách các em để xem xem các em có thể chịu được việc không biết phải làm gì trong bao lâu. Liệu các em có thể đợi được một phút, năm phút hay đủ lâu với bài tập cho đến khi các bé tìm ra được là mình phải làm gì hay không.
  • Hãy dạy các bé các bước sau khi làm bài tập khó:
    1. Thử tự làm trước.
    2. Nhờ ai đó hướng dẫn làm bài hoặc quan sát người khác làm trước.
    3. Chia bài tập ra thành nhiều phần nhỏ.
    4. Làm một phần và phần còn lại thì nhờ giúp đỡ.
    5. Xin phép được nghỉ giải lao một chút nếu cần và sau đó thì lại cố gắng làm tiếp.

Áp dụng chế độ thưởng phạt

  • Hãy đưa ra phần thưởng khi trẻ hợp tác làm bài tập. Đối với mỗi bài tập hoàn thành, hãy thưởng cho trẻ hoặc cộng điểm cho bé để sau đó bé có thể đổi thành phần thưởng, chẳng hạn như thời gian chơi trò chơi. Lưu ý là các hoạt động vui chơi và tập luyện hàng ngày có thể rất quan trọng với trẻ để trẻ có thể làm bài tập, vì vậy chúng ta không nên chỉ cho trẻ chơi sau khi các em làm xong bài tập, mà có thể cho phép trẻ chơi 1 chút trước đó để trẻ có tinh thần thoải mái và sẵn sàng làm bài tập.
  • Chế độ cắt thưởng chỉ nên được áp dụng khi trẻ đã được nhắc nhở trước khi làm bài tập rằng trẻ có thể nhờ giúp đỡ hoặc nghỉ giải lao ngắn. Nhưng nếu thay vì đó, trẻ lại gây gổ và từ chối không làm bài tập, chúng ta có thể cắt phần thưởng hoặc các đặc quyền khác của trẻ.

Cân nhắc các biện pháp sinh học và thể chất

  • Tập thể dục thường xuyên cho thấy giúp làm tăng khả năng tập trung và học tập của trẻ.
  • Thuốc bổ có chứa Omega- 3 cũng có thể cải thiện khả năng tập trung vào các nhiệm vụ học thuật, mặc dù hiệu quả của chúng có thể không nhìn thấy được ngay (theo Sinn và Bryan trong một cuốn sách xuất bản năm 2007). Đối với học sinh bị mặc hội chứng tăng động giảm tập trung chú ý, sau giờ học ở trường, việc uống thuốc cũng giúp các bé có thể hoàn thành bài tập về nhà. Do các chất kích thích có thể là nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ, chúng ta phải biết căn chỉnh liều lượng để tác dụng phụ của thuốc không còn ảnh hưởng khi các bé đi ngủ.

Chương 8 – Chờ đợi

Đa số trẻ con đều ít khi chờ đợi được lâu lâu cho những gì chúng muốn. Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những tình huống phổ biến nhất mà trẻ phải học cách chờ đợi để có được những thứ mà chúng muốn. Ví dụ rõ ràng nhất là khi bọn trẻ nhìn hoặc nghĩ về thứ mà chúng muốn, thứ mà chúng chắc chắn có, nhưng lại phải chờ đợi một thời gian thì mới có được thì thật là khó chịu. Một trường hợp khác nữa là khi bọn trẻ không thể có thứ gì hết, trường hợp mà chúng ta gọi là “chấp nhận câu trả lời là không”. Một trường hợp khác nữa là khi bọn trẻ đang làm gì rất vui vẻ, như đang chơi đùa chẳng hạn, thì lại bị bắt phải dừng lại để làm gì đó chán ngắt như làm bài tập… Tất cả những trường hợp này khiến bọn trẻ mất vui, và nhiều đứa sẽ bắt đầu nổi cơn thịnh nộ hoặc bùng nổ.

Ví dụ vấn đề Chờ đợi:

Thay đổi nguyên nhân gây ra vấn đề

  1. Kích thích giác quan: Nhiều trẻ em có vấn đề về chờ đợi cần phải nhận được nhiều kích thích/khuyến khích. Chính việc thiếu đi những sự khuyến khích là nguyên nhân dẫn đến buồn chán và khó khăn trong việc phải chờ đợi. Vì thế, điều quan trọng là những trẻ em này phải được tham gia vào các hoạt động để quên đi thời gian chờ đợi. Ví dụ như:
    • Một chiếc hộp ghi những điều trẻ cần làm để trẻ lựa chọn
    • Cho trẻ tham gia các hoạt động mà trẻ yêu thích như chơi trò chơi, đọc sách, chơi game… để trẻ quên đi thời gian phải chờ đợi
    • Cho trẻ làm việc gì đó, chẳng hạn tìm giúp bố mẹ những thứ đồ trên các kệ hàng trong lúc chờ bố mẹ mua sắm tại siêu thị
  2. Thời điểm của tình huống. Trẻ con sẽ có khả năng chờ đợi tốt hơn khi chúng không bị mệt quá sức. nếu đói, chúng sẽ khó mà chờ đợi được đến lúc được cho ăn. Vì vậy, đó có thể không phải thời điểm để tập cho trẻ biết chờ đợi
  3. Độ khó của nhiệm vụ
    • Lên lịch những thời điểm khi trẻ có những thứ mà trẻ muốn. Khi biết trẻ sẽ có được thứ trẻ muốn vào một thời điểm nhất định, trẻ sẽ dễ dàng chờ đợi hơn
    • Làm trẻ bận rộn với những hoạt động để trẻ quên đi thời gian chờ đợi (như đã mô tả ở trên)
    • Trẻ có thể viết hoặc vẽ những câu hỏi trẻ muốn hỏi bố mẹ hoặc cô giáo để trẻ không quên điều mình muốn nói trong lúc chờ đợi
  4. Hỗ trợ hình ảnh
    • Sử dụng một chiếc đồng hồ hẹn giờ bằng hình ảnh để giúp trẻ biết khi nào trẻ có thể có thứ trẻ muốn.
    • Sử dụng những tấm thẻ màu xanh đỏ (như đèn xanh đèn đỏ) để thông báo lúc nào trẻ có thể đòi hoặc không đòi thứ chúng muốn
    • Giải thích cho trẻ hiểu một cánh cửa đóng có thể có nghĩa là không được làm phiền, hoặc ít ra cũng phải gõ cửa trước khi bước vào
    • Sử dụng một thời khoá biểu viết tay hoặc in để cho trẻ biết khi nào trẻ sẽ được thứ trẻ muốn

Hướng dẫn các kĩ năng xử lý các nguyên nhân gây ra vấn đề

  • Giải thích những lợi ích ngầm của việc chờ đợi. “Những người khác sẽ rất vui khi con chờ đợi và họ sẽ dễ dàng cho con thứ mà con muốn”. Có thể thực hiện việc này bằng cách cho trẻ một số lượng nhiều hơn số mà trẻ muốn khi trẻ có thể chờ đợi một khoảng thời gian dài hơn, vì thế trẻ có thể thấy rõ ràng lợi ích của việc chờ đợi. Chẳng hạn, một đứa trẻ muốn ăn một chiếc bánh có thể học được rằng cháu sẽ được ăn một chiếc bánh nếu chờ một phút, ăn hai chiếc nếu chờ 5 phút, hay ăn 3 chiếc nếu chờ 15 phút.
  • Dậy trẻ qui định của việc xen ngang
  • Trong lớp học, em phải giơ tay và đợi cô gọi nếu muốn hỏi gì. Khi đối thoại, cần chờ khi người khác ngưng nói hoặc khi người khác không bận bịu thì mới được xen ngang vào hỏi
  • Nói “xin lỗi” trước khi hỏi
  • Xem xét xem liệu em được xen ngang hoặc được hỏi mấy lần. Chẳng hạn, trong nhiều lớp học, mỗi học sinh chỉ được phép hỏi 2 lần trong mỗi tiết học, và phải chờ sang tiết sau mới được hỏi tiếp

Áp dụng chế độ thưởng phạt

  • Khen ngợi trẻ khi trẻ biết chờ đợi và không xen ngang vào. Có thể dùng thang điểm để tích lũy điểm mỗi khi trẻ chờ đợi, càng chờ đợi lâu sẽ càng được nhiều điểm và phần thưởng sẽ tăng lên theo đó. Khi mới bắt đầu áp dụng, hãy khen trẻ khi trẻ có thể chờ đợi trong khoảng thời gian thật ngắn (1 phút chẳng hạn), sau đó, tăng dần khoảng thời gian lên. Tuy nhiên, nếu để trẻ chờ quá lâu, trẻ có thể xen ngang và bạn sẽ mất cơ hội khen ngợi trẻ
  • Khi bị xen ngang, hãy nhắc nhở trẻ phải đợi cho tới giờ đã qui định và lờ trẻ đi nếu trẻ có xen ngang nhiều lần khác nữa

Cân nhắc các biện pháp sinh học và thể chất

  • Những bài tập thể dục cường độ cao có thể tạm thời cải thiện tâm trạng và giúp trẻ kiểm soát bản thân, và do đó sẽ tăng khả năng chờ đợi lên
  • Thuốc thang có thể hữu ích, nhưng là biện pháp cuối cùng. Khi những biện pháp trên không có tác dụng và việc gặp khó khăn khi phải chờ đợi vẫn luôn diễn ra trong nhiều tình huống, làm hạn chế nghiêm trọng khả năng hoạt động của trẻ ở nhà và ở trường, khi đó trẻ cần được đánh giá sức khoẻ tâm thần bởi một chuyên gia sức khoẻ và có thể trẻ sẽ cần phải dùng thuốc.

Chương 9 – Có thể bị làm xấu mặt

Bùng nổ tâm lí xảy ra khi trẻ tin rằng tình huống khó khăn xuất phát từ sự yếu kém của bản thân. Chẳng hạn, khi thua cuộc hay phạm lỗi trẻ sẽ căng thẳng hơn nếu cho rằng những tình huống này xuất phát từ sự kém cỏi của mình. Tương tự như vậy, bị trêu trọc sẽ khiến trẻ căng thẳng hơn nếu trẻ tin vào những nhận xét tiêu cực của người khác. Những tình huống này đều dễ dàng xử lí hơn khi trẻ không tin vào những thông tin tiêu cực về bản thân chúng. Thay vào đó, chúng có thể nhìn nhận sự thua cuộc hay phạm lỗi là một điều gì đó thuộc hoàn cảnh, hơn là liên quan đến khả năng của chính bản thân chúng. Trẻ sẽ có thể nhìn nhận sự trêu trọc như là vấn đề của chính đứa trẻ đi trêu trọc, hơn là sự yếu kém của chính bản thân mình.

Ví dụ vấn đề Phải chấp nhận mình thua cuộc

Thay đổi nguyên nhân gây ra vấn đề

  1. Giảm kích thích giác quan. Nhiều tình huống cạnh tranh tạo ra quá nhiều kích thích lên giác quan khiến trẻ gặp khó khăn khi đối mặt với việc thua cuộc. Giờ giải lao và giờ tập thể dục thường ồn ào, nóng và tiếp xúc cơ thể nhiều, thường xuyên xô đẩy nhau. Trong môi trường lộn xộn này, việc thua một trận đấu rất có thể trở thành tác nhân gây ra stress. Có lẽ cần phải giảm bớt kích thích để tăng khả năng chịu đựng sự nản lòng ở trẻ:
    • Cân nhắc cho trẻ chơi trò chơi ở một nơi yên tĩnh hơn và có ít trẻ khác.
    • Cân nhắc sao để xung quanh trẻ là các bạn ít hiếu thắng và sẵn lòng hợp tác hơn.
  2. Chú ý đến thời điểm của tình huống. Học sinh sẽ có thể có khả năng chịu đựng sự thua cuộc hơn khi các em vừa thắng một lĩnh vực khác. Nếu trẻ vừa nản lòng ở một bài tập khác, thì việc bảo trẻ tham gia vào các hoạt động mang tính cạnh tranh quả là không thông minh.
  3. Chú ý tới độ khó của bài tập
    • Chọn các trò chơi mà trẻ thực sự giỏi. Hãy biết điểm mạnh của trẻ. Không phải mọi học sinh đều phải là vận động viên; còn nhiều môn thể thao không mang tính ganh đua khác mà trẻ có thể tham gia, ví dụ các trò chơi tại bàn, tìm kho báu, trò chơi đố chữ, hai mươi câu hỏi, và những đố vui khác.
    • Chọn các trò chơi không mang tính ganh đua. Một số trẻ thích tham gia vào các trò chơi mang tính khám phá, như đào giun, sưu tập đá, giả đánh cướp biển, hay chạy trốn khủng long.
    • Nhấn mạnh giá trị của tinh thần thượng võ khi thắng cuộc. Trước khi bắt đầu chơi, cha mẹ hay thầy cô giáo có thể bồi dưỡng cho trẻ về giá trị của tinh thần thượng võ hơn là tập trung vào để thắng. Hãy thưởng cho trẻ vì đã cùng chơi với nhau hòa thuận hơn là vì trẻ đã chiến thắng.
  4. Hỗ trợ bằng hình ảnh. Hãy trưng bày hình ảnh để nhắc nhở trẻ về kỹ năng “đối mặt với thua cuộc” trong khu vực diễn ra các trò chơi. Hình ảnh có thể là các từ ngữ hay bức tranh cho trẻ thấy rằng khi thua cuộc mà không nổi cáu sẽ giúp trẻ có thêm nhiều bạn bè. (xem Baker, 2001 & 2003).

Hướng dẫn các kĩ năng xử lý các nguyên nhân gây ra vấn đề

Hãy giải thích cho trẻ rằng thực chất trẻ đang chơi cùng một lúc hai trò chơi, một trò chơi mang tính ganh đua và một “trò chơi vô hình về tình bằng hữu và khả năng tự kiểm soát”. Nếu trẻ thua cuộc mà không nổi cáu, trẻ sẽ thắng trong trò chơi vô hình. Thành công trong cuộc sống sau này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tự kiểm soát và tình bạn chứ không phải là thắng cuộc trong các trò chơi mang tính cạnh tranh.

Điểm lại các hoạt động mà trẻ có thể thực hiện xuất sắc. Hãy giải thích rằng không ai có thể lúc nào cũng tỏa sáng trong mọi hoạt động. Hãy nhắc cho trẻ nhớ cứ mỗi trò chơi mà trẻ thua cuộc, lại có một trò chơi khác mà trẻ chơi tốt.

Nhắc cho trẻ nhớ ngay trước một trò chơi ganh đua về tầm quan trọng của việc thắng trong “trò chơi vô hình” là khả năng tự kiểm soát và tình bạn. Hãy giải thích rằng bạn quan tâm hơn tới việc trẻ giữ được bình tĩnh dù thua hay thắng.

Áp dụng chế độ thưởng- phạt

Thưởng cho trẻ khi trẻ giữ được bình tĩnh mỗi lần thua cuộc. Có thể sử dụng hệ thống điểm để trẻ đạt được nhiều điểm hơn khi thua mà vẫn giữ được bình tĩnh so với khi thắng. Sau đó có thể đổi điểm lấy những phần thưởng vật chất hoặc những đặc ân.

Nếu sau khi thua trẻ nổi cơn tam bành, thì tốt nhất không nên dùng hình phạt. Tuy nhiên, nếu trẻ làm tổn thương bạn khác hoặc phá phách, trẻ phải xin lỗi và dọn dẹp.

Chương 10 – Khi không được quan tâm như ý

Nhiều khi sự bùng nổ xảy ra khi trẻ không được cha mẹ, người lớn, hay bạn bè quan tâm tới. Trong chương này, chúng ta nghiên cứu ba tình huống thường gặp có liên quan tới những mong muốn nhận sự quan tâm không được thỏa mãn:

  1. Khi một đứa trẻ muốn chơi, nhưng người khác lại không muốn.
  2. Khi có sự cạnh tranh để giành được sự chú ý của người lớn, như khi anh chị em tranh cãi xem ai được chú ý nhiều hơn.
  3. Khi đi ngủ. Đây là lúc phức tạp nhất bởi nó liên quan tới mong muốn được bố mẹ quan tâm, tới sự sợ hãi khi bố mẹ rời đi, và không được chơi nữa, tất cả những điều này có thể dẫn tới sự thất vọng lớn lao.

Những trẻ có vấn đề với việc chờ đợi nói chung thường cũng có vấn đề trong việc chờ đợi sự quan tâm từ người lớn và do đó bạn cũng có thể áp dụng một trong những phương pháp đề cập trong Chương 8. Tuy nhiên, nhu cầu được chú ý cũng có thể xảy ra với những em không gặp vấn đề về chờ đợi. Việc nhận được sự quan tâm từ cha mẹ, hay khả năng xoay xở trong thời gian cha mẹ không chú ý tới đòi hỏi nhiều điều hơn là khả năng chờ đợi.

Vấn đề “Khi không ai muốn chơi cùng”

Thay đổi những tình huống gây ra vấn đề

  1. Kích thích giác quan. Rất nhiều trẻ muốn được quan tâm chú ý liên tục nói chung cũng đều có nhu cầu được kích thích. Các em nhanh chóng cảm thấy nhàm chán và không phải lúc nào cũng biết cách tự làm mình vui. Do đó cốt yếu là những em này cần có những hoạt động để làm trong khi đợi người khác chơi cùng. Một vài ví dụ:
    • Một hộp “những điều cần làm” gồm một vài hoạt động để lựa chọn
    • Chơi vài trò chơi hay hoạt động khác, như đọc sách, chơi giải ô chữ, hoặc chơi điện tử để giúp trẻ quên đi thời gian chờ đợi
    • Giúp đỡ cha mẹ một việc gì đó, như đi lấy hàng tạp phẩm, cùng nấu bữa tối, hoặc dọn bàn ăn
  2. Thời điểm của tình huống. Tạo ra những thời gian biểu vui chơi thường xuyên để trẻ không phải luôn miệng hỏi nữa. Ngoài ra, cha mẹ có thể sẽ muốn làm xong việc của mình trước khi lại chơi với con để có thể dành thời gian hoàn toàn cho con cái mình.
  3. Độ khó của yêu cầu
    • Khi có thể, hãy giảm thời gian chờ đợi người khác chú ý tới.
    • Khiến trẻ giúp đỡ những người mà các em muốn họ quan tâm tới mình. Ví dụ: trẻ có thể giúp bố mẹ hoàn thành việc nhà để cả nhà có thể chơi cùng nhau sớm hơn.
    • Để con chơi thân với bạn: Ở trường học, chúng ta có thể tạo ra những chương trình kết bạn thân để các em hoc sinh luôn luôn có người chơi cùng. Việc này bao gồm hướng những người bạn tới trẻ bị cô lập và hướng dẫn các em hòa nhập với những em học sinh này. Bạn có thể tìm thấy ví dụ về chương trình định hướng các bạn cùng tuổi trong cuốn hướng dẫn kỹ năng xã hội của tôi (Baker, 2003 & 2005).
  4. Hỗ trợ bằng hình ảnh. Sử dụng thẻ giấy gợi ý hoặc danh sách kiểm tra để nhắc trẻ cách đề nghị người khác chơi cùng như thế nào và khi người khác có thể chơi cùng.

Dạy trẻ những kỹ năng giải quyết vấn đề

Dạy trẻ cách đề nghị và chờ đợi người khác chơi cùng. Đôi khi trẻ quên phải đề nghị người khác chơi cùng, mà thay vào đó lại có những hành động phản kháng để thu hút sự chú ý của người khác. Hãy nhắc lại với các em những bước sau đây để có thể đề nghị người khác chơi cùng mình:

  1. Lựa chọn những người hay những bạn thích chơi cùng mình. Tránh những người hay nói không.
  2. Đề nghị họ chơi cùng mình.
  3. Nếu họ chưa rảnh, hãy hỏi khi nào họ có thể chơi.
  4. Làm một việc khác trong khi chờ người khác có thể chơi với mình.
  5. Chọn một việc mà cả hai cùng thích làm.

Áp dụng biện pháp thưởng – phạt

  • Nên thưởng cho trẻ khi các em biết đề nghị người khác chơi cùng một cách lịch sự và kiên nhẫn chờ đợi. Phần thưởng cao nhất là việc dành thời gian để chơi với trẻ. Bạn có thể áp dụng cách tích điểm cho việc đề nghị lịch sự và chờ đợi. Trẻ có thể tích điểm trong một thời gian dài để đạt được những phần thưởng như đồ chơi mới, chơi trò chơi, hoặc được ưu tiên đặc biệt.
  • Nếu trẻ cố thu hút sự chú ý bằng cách tiêu cực hoặc không chịu chờ đợi dù bạn đã nhắc nhở, hệ quả tự nhiên là trì hoãn thời gian chơi của trẻ. Ví dụ, khi bạn đã nói trẻ đợi nhưng em vẫn cố gây sự chú ý của bạn, bạn có thể kéo dài thời gian chờ để chơi của em.

Chương 11 – Lời kết: Hãy chọn cách của riêng bạn

Một trong những điều quan trọng nhất mà phụ huynh chúng ta và các chuyên gia có thể làm để tránh bùng nổ tâm lý cho chính mình và cho trẻ là phải có kế hoạch. Cuốn sách này được viết để cung cấp cho bạn một bản đồ giúp bạn lập kế hoạch phòng tránh. Mặc dù tôi đã liệt kê cho bạn 15 kế hoạch mẫu để bạn tham khảo, nhưng chắc chắn bạn vẫn cần phải thiết kế một bản đồ riêng cho mình để giải quyết những tình huống cụ thể dẫn đến bùng nổ tâm lý ở con/học sinh của bạn.

Chương 6 cho bạn một khung mẫu để lập kế hoạch như vậy. Một “mẫu kế hoạch phòng chống” được cung cấp ở trang sau để bạn sử dụng khi lập kế hoạch phòng chống cho riêng mình. Như thường lệ, bản đồ không thể giống y hệt nguyên mẫu. Tuy nhiên, kinh nghiệm đã cho tôi thấy rằng những ai không bỏ cuộc chắc chắn sẽ tìm thấy đường đi. Nếu con bạn thường xuyên bùng nổ – hãy tìm nguyên nhân (chương 5), hãy thay đổi nguyên nhân, và dạy cho trẻ cách tốt hơn để xử lý những tác nhân kích thích đó.

Để giúp đỡ trẻ, bạn cần phải tôn trọng chính con người trẻ, chứ không phải con người mà bạn muốn trẻ trở thành. Mặc dù chúng ta luôn dạy cho trẻ những kỹ năng mới, chúng ta sẽ phải điều chỉnh kỳ vọng của mình cho hợp lý với bản thân trẻ ở thời điểm hiện tại.

Con trẻ sẽ luôn thách thức chúng ta. Tuy vậy nếu chúng ta có thể vượt qua sự khó chịu ấy mà không đổ lỗi cho bản thân và cho con trẻ, chúng ta có thể ngăn chặn được chính những cơn bùng nổ của mình để giúp đỡ trẻ ngăn chặn những cơn bùng nổ của chúng.

Mẫu lập kế hoạch phòng chống THAY ĐỔI TÁC NHÂN KÍCH THÍCH
Thay đổi kích thích cảm giác:
Thay đổi căn giờ của tình huống:
Thay đổi độ khó của nhiệm vụ
Những hình thức hỗ trợ bằng hình ảnh
DẠY TRẺ KỸ NĂNG XỬ LÝ TÁC NHÂN KÍCH THÍCH

 

Tình huống gây kích thích Hành vi có vấn đề Các kỹ năng thay thế
Mệnh lệnh, chờ đợi, sợ mất hình ảnh của bản thân, nhu cầu quan tâm không được thỏa mãn    
Nguyên nhân khác    

ÁP DỤNG CƠ CHẾ THƯỞNG PHẠT
Phần thưởng:
Hình phạt (chỉ sử dụng khi đã thay đổi tình huống gây kích thích và trẻ đã được dạy cách xử lý tình huống):

CÂN NHẮC VIỆC SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP SINH HỌC VÀ VẬT LÝ
Thay đổi chế độ ăn:
Tập luyện, thiền và các hình thức thư giãn thể chất khác:
Sử dụng dược phẩm: (chỉ sử dụng khi các cách khác không còn tác dụng)

Read 2052 times
Top