9 năm con trai tự kỷ của mẹ

Nhiều năm cùng 2 từ “tự kỷ”, mẹ đã vững vàng hơn, có nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ hơn. Dường như mẹ, con và gia đình mình cũng dần quen hơn với nó. Năm nay, mẹ đã không còn khóc nữa.

“Chúc mừng sinh nhật con! Chiều nay, con sẽ ăn bánh ga tô với lớp nhé”, đó là câu thay câu chào buổi sáng hôm nay của mẹ. Nghe đến bánh ga tô là con nhoẻn cười sung sướng, mắt hấp háy dù đang còn ngái ngủ, con vốn dị ứng với sữa và bột mì, nhưng hôm nay là sinh nhật, và ta có thể “nới lỏng” một chút. Hôm nay là sinh nhật con trai của mẹ. Sinh nhật lần thứ 9!

Sinh nhật đầu tiên của con, cả nhà bận bịu nhưng đầy ắp tiếng cười. Mẹ là một bà mẹ trẻ, còn khuya mới đến 30 tuổi với hai đứa con, một gái, một trai như trứng vịt trứng gà, cách nhau có 2 năm, một căn nhà tập thể nhỏ xinh, một người chồng tốt. Hạnh phúc, tưởng chừng như đã là trọn vẹn.

Sinh nhật thứ 2 của con, lặng lẽ…! Hai chữ “tự kỷ” treo chêch chếch trên đầu. Đôi khi, mẹ ngước lên nhìn nó, rồi lại cắm cúi nhìn xuống bước tiếp. Ôi, cuộc sống, đâu phải dễ dàng!

“Tự kỷ là một phổ rộng.” Mẹ tự nhắc mình như vậy, để không nản lòng. Nhưng với con, mọi thứ không hề đơn giản. Trong khi các bạn được chẩn đoán cùng thời với con đã bắt đầu đi lên với can thiệp đặc biệt, thì con lại thoái triển, mất đi gần như mọi kỹ năng con có được.

“Tự kỷ là một phổ rộng.” Tuy con bị thoái triển, và cũng không may mắn là trẻ “chức năng cao”, mẹ vẫn tự nhắc mình như vậy. Mẹ vốn gan lỳ, và mẹ cũng không muốn đầu hàng.

Đã bao lần sinh nhật con trôi qua. Dù gan lỳ, nhưng lần nào rồi mẹ cũng không kìm được nước mắt. Chẳng hiểu thế nào, mẹ rất sợ ngày sinh nhật của con, mẹ khóc trước cả tuần liền. Rồi thì có sợ, thì nó vẫn cứ đến, và mẹ giấu những giọt nước mắt vào lòng. Cũng có bánh ga tô và vài người bạn. Cũng bao lời chúc mừng ngập trên web của con, những lời chúc luôn đi kèm câu: chúc Dương tiến bộ nữa, nữa, nữa!

Đã 7 năm cùng 2 từ “tự kỷ”, mẹ đã vững vàng hơn, có nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ hơn. Dường như mẹ, con và gia đình mình cũng dần quen hơn với nó.

Năm nay, mẹ đã không còn khóc nữa. Mẹ cũng sơ sơ phác ra kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho con. Hòa nhập với con, ở tuổi này, cũng không còn dễ dàng nữa. Bố mẹ cũng phải cân nhắc hơn giữa một môi trường mà bố mẹ nghĩ là tốt cho con, và một môi trường mà tự con yêu thích.

Trên đường đón con về, hai mẹ con rẽ vào cửa hàng đại lý mua ít bánh kẹo để mang đến lớp. Trong cửa hàng chỉ có hai mẹ con đang mua đồ. Ồ, em ấy, cũng giống con kìa! Em không nói gì cả (sau này, bác bán hàng kể là em chưa nói được), em cầm tay mẹ đẩy lên trên cao, phía hộp kẹo mút. Mẹ em ấy bình tĩnh lấy xuống, hỏi em thích kẹo màu gì… Bác bán hàng, chắc quen biết nên hỏi:

Thế dạo này, con học lớp đặc biệt hay lớp bình thường?

Lớp bình thường bác ạ.

Sao không cho học lớp đặc biệt ấy? Chị thấy có những lớp như thế đấy.

Vâng, nhưng cô giáo cháu bảo là cháu học được hòa nhập, bác ạ.

Người mẹ ấy, chẳng cần nhìn, thì mẹ cũng biết trông nét mặt như thế nào, và trong lòng đang nghĩ gì. Mẹ đã qua cái thời đó. Đi ra ngoài đường, ai hỏi han gì về con, cũng phải đối đáp cẩn trọng, đưa ra những câu trả lời không thừa, không thiếu chút nào. Mẹ nhắc con là: “Ô, em bé này. Con chào em đi!”. Con chào luôn “chào em”, con đang vui vì mẹ hứa mua cho con một gói bim bim nhỏ.

Lát sau người bố chạy xe đến đón, hai mẹ con rời cửa hàng. Bác bán hàng vẫn nhìn theo: “Khổ thân, chị biết mẹ nó mà. Lúc có bầu cũng vất vả, giờ thì thằng bé lại thế”. Mẹ mỉm cười, hỏi bác: “Thế bác có nhận ra cháu này nhà em cũng giống thế không?” Chắc giờ mẹ đã vượt lên được một bậc mới, bậc chủ động gợi chuyện. Chắc bác cũng thấy con chẳng đến nỗi nào, con cũng điềm đạm, không lăng xăng nghịch như trước, cũng nói mấy câu, cũng chọn cái này rồi đổi cái kia. Bác bảo: “Nhưng cháu này nói được”. Mẹ cũng gật đầu: “Vâng, nhưng là sau 5 tuổi mới bắt đầu nói vài từ đấy, bác ạ”. Thực ra, với trẻ tự kỷ, nói đã là một vấn đề, nhưng nói rồi, thì vẫn còn một đống vấn đề nữa đang chờ giải quyết.

Bác còn bước hẳn ra ngoài cửa hàng để tiễn 2 mẹ con và đứng lại khá lâu trên vỉa hè nhìn theo. Kiểu tiễn những người thân thiết mà ta quý mến.

Sau bằng ấy năm, mẹ cũng đã hiểu con nhiều hơn. Con, một đứa trẻ tự kỷ, có nhiều nét giống nhưng cũng có rất nhiều nét khác, so với người bình thường như bố mẹ, hay các bạn cùng lứa tuổi.

Đôi khi mẹ thấy rằng, con giống như một hệ nhị phân đơn giản với vẻn vẹn là hai chữ số 0 và 1, trong khi người bình thường là cả một hệ thập phân với một đống chữ số và quy tắc cộng trừ nhân chia phức tạp. Mẹ cũng cần đơn giản hóa mọi kiến thức, thì mới đúng mức của con, và con mới bắt đầu lĩnh hội được. Đó cũng là cách mẹ đã dạy con từng tí chút một, từ những màu sắc đơn giản, đến hình khối, đến chữ cái, chữ số, phép cộng trừ và cả những bài tập đầu tiên với cây đàn piano nữa.

Mẹ cũng còn một việc dở nữa là đặt in một cái thẻ ghi số điện thoại liên lạc để đeo vào dây chuyền cho con, phòng nhỡ đâu con đi lạc. Con đã có 2 dây bạc nhưng bạc có điểm yếu là khá mềm, con thi thoảng cho vào mồm gặm nham nhở, và diện tích in thông tin không được nhiều. Con đã thuộc số điện thoại rồi, con cũng biết bấm số rồi, nhưng mẹ vẫn cẩn thận làm cái thẻ inox vì sợ lúc đó con sợ hãi, và không “thể hiện” được.

Có nhiều mẹ chọn khắc số điện thoại liên lạc vào dây chuyền bạc đeo cổ, hoặc lắc đeo tay, hoặc thậm chí là đặt thêu thông tin lên những miếng vải rồi may lên quần áo (giống như lô-gô đồng phục của các trường), nhưng rồi cũng sợ mua mới chưa kịp may vào. Dường như cái thẻ inox đeo cổ có vẻ như là hữu hiệu hơn cả khi bị lạc.

Mẹ tìm trên internet, và tìm ra cửa hàng chuyên in laser trên inox. “Chào em, chị muốn đặt in thẻ inox, nhưng không phải in với số lượng thương mại đâu. Chị có đứa con đặc biệt, sợ cháu đi lạc ấy mà, chị muốn đặt in cái thẻ đeo vào dây chuyền, để nếu cháu bị lạc, ai bắt gặp thì họ sẽ nhìn vào có thể liên lạc với bố mẹ đến đón về”.

Cô ấy tên là Thu. Cô giải thích cho mẹ về công nghệ in inox khác nên mép có thể hơi thô ráp chứ không như công nghệ vàng bạc, và mẹ cũng nói là có thể mua đá mài và tự mài nhẵn thêm được. Cô bảo cô sẽ ghép vào một đơn hàng, và làm cho con miễn phí. Mẹ cám ơn cô và bảo: Thôi, em cứ coi chị như khách hàng bình thường. Em giúp chị làm cho cháu là chị cám ơn em lắm rồi. Chị cũng còn vài người bạn có con đặc biệt nữa, chị cũng muốn làm cho các cháu kia luôn.

Cuộc sống vốn phức tạp và căng thẳng, nhưng nó cũng hàm chứa bao nhiêu những câu chuyện nho nhỏ đầy tình thương. Mẹ cũng vui vì vẫn gặp những con người nhân hậu như thế, để mẹ vẫn cảm thấy một điều gì ấm áp trong tim.

Hôm nọ, đi qua một ngôi trường “làng”, có một em bé, nhỏ hơn con chút ít, cứ đuổi theo xe mẹ đi nhờ. Đường đông, nên mẹ đi chậm. Em ấy túm lấy đuôi xe mẹ, chạy theo. Mẹ cũng hơi ngạc nhiên, vì bây giờ, với rất nhiều câu chuyện về “mẹ mìn”, “bắt cóc”, thì chuyện trẻ con xin đi nhờ xe không còn phổ biến nữa. Sau một hồi thì em ấy cũng ngồi trên xe mẹ, đong đưa hai cái chân và có vẻ rất vui. Mẹ gợi chuyện: “Cô là người tốt, nên cháu đi nhờ xe được. Nhưng có cả người xấu bắt cóc trẻ con đấy. Cháu không sợ đi nhầm vào xe người xấu à”. Thằng bé vô tư đáp ngay không cần suy nghĩ: “Cô ơi, người xấu ít lắm”.

Tất nhiên, đã có một đứa con như con, thì người mẹ nào cũng rất trân trọng và yêu thương từng đứa bé bình thường nhất. Có lẽ bố mẹ cậu ấy vì quá bận rộn mưu sinh, mà chưa dạy cậu bé về việc giữ an toàn ấy. Mẹ vẫn dặn dò lại cậu bé ấy là cần cẩn thận hơn nữa. Mẹ cũng chợt mỉm cười nghĩ rằng không biết nếu con may mắn để làm một đứa trẻ bình thường, liệu con có bao giờ “vô tư” như cậu bé kia không nhỉ?

Có lẽ mẹ cũng nên học cái sự “vô tư lự” của cậu bé này. Từ ngày con được chẩn đoán tự kỷ với một đống khó khăn và bất lợi mỗi khi đưa con ra ngoài, mẹ đã thấy rất căng thẳng. Nhưng rồi mọi thứ cũng dần đổi thay. Mẹ đã tìm ra “ngõ nhỏ” cho riêng con, và cũng đã gặp được nhiều người tốt ở cộng đồng này. Con đã có một ngôi trường mới với cô Hoài, cô Thúy, thầy Huy, thầy Tuấn, những người con luôn nhắc tên một cách vui vẻ.

Và hôm nay, sinh nhật con, Hà Dương của mẹ đã tròn 9 tuổi. Chúc con một sinh nhật thật vui, con nhé.

Kim

Read 1966 times
Top