Cần "phác đồ" can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ trẻ mắc hội chứng tự kỷ được chẩn đoán tại đây là 1/150 và con số này ngày càng tăng. Hiện ở Việt Nam vẫn chưa có thống kê chính xác về số lượng người mắc tự kỷ, nhưng đã hình thành Hội cha mẹ có con tự kỷ, hội người tự kỷ, có trang web tretuky.com, một diễn đàn lớn chia sẻ và thảo luận về tự kỷ...

Biểu hiện ở trẻ tự kỷ là mắc các khiếm khuyết về giao tiếp như không giao tiếp bằng mắt, không có giao tiếp bằng cử chỉ cơ thể, không chia sẻ các cảm xúc buồn vui... Trẻ nói không rõ tiếng hoặc chỉ nói được một vài từ, không biết cách biểu đạt nguyện vọng bằng ngôn ngữ... Trong cách chơi, trẻ thường chơi theo một mô-típ đơn giản nhất định, lặp đi lặp lại, tự chơi một mình không thích chơi với bạn bè. Nguyên nhân của tự kỷ được xác định có nguồn gốc sinh học trong cơ thể; có thể do tổn thương của não, do gen, do ô nhiễm môi trường sống... và cách chăm sóc trẻ của bố mẹ không gây ra tự kỷ cho trẻ. Trẻ tự kỷ thường có biểu hiện khoảng từ một đến ba tuổi, nếu được can thiệp kịp thời về y tế, giáo dục tự kỷ có thể thuyên giảm hoặc khỏi. Nếu không, trẻ có thể lớn lên mà không thể tự lập được trong cuộc sống. Cho đến nay chưa có phương pháp nào được khoa học kiểm chứng và khẳng định chữa khỏi tự kỷ. Mỗi phương pháp đều có thể tốt trên một số trường hợp, nhưng lại không hiệu quả với một số trường hợp khác.

Ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành khá nhiều các trường, trung tâm nhận "dạy học" cho trẻ tự kỷ, ngoài ra còn có rất nhiều "thầy, cô giáo" nhận "kèm cặp" trẻ tự kỷ tại nhà mặc dù việc dạy và học này rất khó đánh giá được kết quả can thiệp vào chứng tự kỷ của trẻ.

Các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Thái-lan hiện đã coi tự kỷ là một loại khuyết tật được sự quan tâm, đầu tư ngân sách, con người rất lớn so với các loại hình khuyết tật khác. Người mắc tự kỷ ngoài việc được hưởng chế độ người khuyết tật còn được tham gia vào các chương trình canh thiệp, điều trị đặc biệt. Việc quy định đó cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân những nhà khoa học có nhiều nghiên cứu sâu sắc về tự kỷ. Do vậy, chất lượng can thiệp tự kỷ trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ và đạt được những hiệu quả nhất định trong hai thập kỷ gần đây.

Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào công nhận người tự kỷ là người khuyết tật và trên thực tế những người tự kỷ chưa được hưởng chế độ ưu đãi nào của Nhà nước. Ðây đang là một thiệt thòi lớn đối với những người tự kỷ ở nước ta vì nếu không được "luật hóa" thì dạng khuyết tật này sẽ không được quan tâm một cách đúng mức trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Anh Nguyễn Tuấn Anh đang cho con mắc tự kỷ theo học tại Trung tâm chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ Phúc Tuệ, số 66 phố Phó Ðức Chính, Hà Nội bày tỏ: "Không chỉ cháu nhà tôi và các trẻ tự kỷ khác chịu thiệt thòi về các chế độ, sự quan tâm ưu đãi của Nhà nước đối với người khuyết tật mà điều tôi luôn lo lắng ở đây là cháu có thể có những hành vi bất thường có thể gây tổn thương cho người khác, do thấy khó chịu vì bị rối loạn giác quan, chứ không phải vì những động cơ đen tối. Nếu việc đó xảy đến thì theo luật cháu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình như một người bình thường...?!".

Trường hợp của cháu Nguyễn Nhật Minh, sáu tuổi trú tại ở 42 Trần Nhật Duật (phường Ðồng Xuân, Hà Nội) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mẹ cháu ly dị, ở với ông bà ngoại trong một căn nhà tạm tồi tàn rộng hơn 10 mét vuông. Cháu được Bệnh viện Bạch Mai chuẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ với biểu hiện chính là khả năng nói của cháu chỉ bằng bé một tuổi rưỡi. Trung tâm Phúc Tuệ muốn đưa cháu về học, cho nên hướng dẫn gia đình đi xin giấy xác nhận của UBND phường công nhận cháu Nhật Minh là người khuyết tật nhưng không được chính quyền phường chấp nhận vì "không đúng luật". Ðiều đó khiến cháu Nhật Minh không thể đi học vì Trung tâm Phúc Tuệ không thể đi xin kinh phí để cho cháu theo học.

Ðối với những trẻ tự kỷ sinh ra trong gia đình khá giả cũng gặp muôn vàn khó khăn trong việc xin học vì hiện chưa có ngôi trường dành riêng cho trẻ tự kỷ và các trường học luôn từ chối nhận học sinh tự kỷ. Những trung tâm nhận dạy trẻ tự kỷ thường có mức thu học phí rất cao, một tháng ít là ba đến bảy triệu đồng, nhiều trung tâm có học phí từ 10 đến 20 triệu đồng một tháng. Với những trung tâm như vậy không phải gia đình có trẻ tự kỷ nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để cho con theo học.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một "phác đồ" can thiệp sớm về y tế, giáo dục, xã hội... cho trẻ tự kỷ. Trong đó giáo dục vẫn chưa có giáo trình chuẩn dành cho trẻ tự kỷ. Ðối với các trung tâm nhận dạy trẻ tự kỷ do tư nhân mở ra thì các thầy, cô giáo chủ yếu được đào tạo theo kiểu "a-ma-tơ" tại các buổi trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kiến thức... từ các chuyên gia nước ngoài, các tình nguyện viên của các tổ chức phi Chính phủ nghiên cứu về tự kỷ. Chính vì vậy, việc chọn trường cho trẻ tự kỷ theo học của các bậc cha mẹ cũng cần phải có sự tìm hiểu thấu đáo và đồng thời cảnh giác với các lời chào mời "chữa khỏi tự kỷ" của các "thầy, cô giáo" nhận dạy trẻ tự kỷ tại nhà.

Việc tạo ra khung pháp lý thỏa đáng cho tự kỷ đang là vấn đề bức xúc đặt ra trong xã hội. Ðiều đó là tiền đề giúp Nhà nước có những chính sách thỏa đáng cho nhóm đối tượng này. Ðồng thời các ngành liên quan như y tế, giáo dục, tâm lý học, xã hội học... từ đó có kế hoạch hành động ứng phó với hội chứng tự kỷ. Một cơ sở pháp lý rõ ràng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về dạng khuyết tật mới này để giúp những người không may có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Theo thông tin từ chuyên trang của Liên hợp quốc về tự kỷ, "Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào trong xã hội và biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ; hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại".

Theo Nhandan.com.vn

Read 1869 times
Top